Nấm vân chi có tên khoa học trước đây là Coriolus versicolor, hiện nay có tên mới là Trametes versicolor, có nghĩa là mỏng và nhiều màu sắc. Ở Nhật người ta gọi là kawaratake, vì thường gặp ở ven sông. Còn ở Trung Quốc thường được gọi là Yun-zhi vì nấm mỏng và xếp chồng lên nhau, có nhiều vân đồng tâm như mây. Tên tiếng anh thông dụng là Turkey Tail – nghĩa là đuôi con gà tây.

Nấm Vân Chi mọc tại những vùng ôn đới tại Bắc Mỹ, Á châu và Âu châu và có lẽ là loại nấm mọc khá mạnh, phát triển khắp vùng Bắc Bán cầu. Nấm vân chi có nhiều màu sắc như đuôi của gà tây (versicolor= màu sắc thay đổi), Quả thể (fruiting body) có dạng hình quạt mọc phủ từng lớp trên thân cây mục. Mặt nấm lớp trên cùng thường có những màu nâu, trắng, xám hay xanh lam; mặt dưới trắng có mang những bào tử nhỏ. Mũ nấm không có cuống, dai, phẳng hoặc chỉ hơi quăn, hình gần như bán nguyệt. Mũ nấm thường mọc thành cụm, đường kính từ 1 đến 8cm, dầy khoảng 0,1- 0,3cm, có lông nhỏ trên bề mặt, có các vòng màu đồng tâm màu nâu, màu tro đen, màu trắng đục. Mép mỏng, uốn sóng. Thịt nấm màu trắng. Bào tử hình viên trụ, vô màu, kích thước 4,5- 7mm x 3- 5mm.       

Tác dụng của Nấm Vân Chi được ghi chép trong Sách thuốc Đông Y từ Thế Kỷ 15: Minh Y Biệt lục đã ghi nhận ‘Vân Chi màu lục và màu đen bổ dưỡng Thần-Khí, bồi bổ gân cốt.. Uống liên tục giúp cơ thể dẻo dai và tăng thêm tuổi thọ’. Vân Chi vị ngọt tính ấm, tác động vào các kinh mạch thuộc Tỳ và Tâm.

Nấm Vân Chi có tác dụng giúp ‘thanh Thấp’, trừ Đờm, và trị các bệnh về phổi, bồi bổ khí-huyết cho những người bị các bệnh kinh niên.

Liều dùng Nấm Vân Chi theo Đông Y:

  • Nên dùng 6-12 gram / ngày dưới dạng bột nấm đã phơi khô.
  • Nên pha thành trà dược (1 thìa cà phê= 3 gram), uống làm 2 lần sáng và chiều.
  • Nấu trà đến vừa sôi và sau đó đun nhỏ lửa (từ 20-45 phút). (Nấu sôi quá độ, sẽ mất hoạt tính)